Thời kỳ độc lập Lịch_sử_Myanmar

Năm 1947, Aung San trở thành Phó chủ tịch Uỷ ban hành pháp Miến Điện, một chính phủ chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong tháng 7 năm 1947, các đối thủ chính trị đã ám sát Aung San và nhiều thành viên chính phủ khác. Ngày 4 tháng 1 năm 1948, quốc gia này trở thành một nước cộng hoà độc lập, với cái tên Liên bang Miến Điện, với Sao Shwe Thaik là tổng thống đầu tiên và U Nu là thủ tướng. Không giống như đa số các thuộc địa của Anh, nước này không trở thành một thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh bởi vì họ đã giành lại độc lập trước khi Khối thịnh vượng chung cho phép các nước cộng hoà trở thành một thành viên của nó. Một hệ thống chính trị lưỡng viện được thành lập gồm Viện đại biểu và Viện quốc gia. Vùng địa lý hiện nay của Myanma có thể suy ngược từ Thoả ước Panglong, là toàn bộ Miến Điện gồm Hạ Miến Điện và Thượng Miến Điện và Các vùng biên giới, đã từng được quản lý hành chính độc lập bởi Anh Quốc.

Năm 1961, U Thant, khi ấy là Đại biểu thường trực của Miến Điện tại Liên hiệp quốc và cựu Thư ký Thủ tướng, được bầu làm Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông là người đầu tiên không xuất thân từ phương Tây lãnh đạo bất kỳ một tổ chức quốc tế nào cho tới lúc ấy và sẽ đảm nhiệm chức vụ này trong vòng mười năm. Trong số những người Miến Điện làm việc tại Liên hợp quốc khi ông đang giữ chức Tổng thư ký có cô gái trẻ Aung San Suu Kyi.Giai đoạn dân chủ kết thúc năm 1962 với một cuộc đảo chính quân sự do Tướng Ne Win lãnh đạo. Ông này sẽ cầm quyền trong 26 năm và theo đuổi chính sách xã hội chủ nghĩa. Năm 1974, đám tang của U Thant dẫn tới một cuộc biểu tình chống chính phủ đẫm máu.